Vị trí trong văn hóa Việt Cau

Hình minh họa sự tích trầu cauMột đĩa cau trầu đã têm

Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, có truyện Sự tích trầu cau. Câu chuyện này nhân cách hóa nguồn gốc của cây cau, cây trầu không và tảng đá vôi là những thứ được sử dụng để ăn trầu cũng như giải thích tục lệ sử dụng trầu cau trong các đám cưới.

Câu chuyện kể về việc hai anh em Tân và Lang cùng người vợ của Tân. Chỉ vì một sự hiểu lầm rất nhỏ mà cả ba người đã biến thành cau, trầu và tảng đá vôi. Tân biến thành cây cau, Lang biến thành tảng đá và vợ Tân biến thành cây trầu quấn quanh cây cau để minh chứng cho sự trong sáng, tình nghĩa anh em, vợ chồng của họ. Cho đến ngày nay, trầu cau vẫn là thứ không thể thiếu trong các lễ cưới của người Việt.

Trầu cau là những thứ ngày xưa không thể thiếu trong các dịp xã giao hay lễ hội của người Việt; là một thứ đầu các lễ nghĩa. Phàm việc tế tự tang ma, cưới xin... việc gì cũng lấy miếng trầu làm trọng. “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, dân thôn ai có việc gì đến nhà người nhà tôn trưởng hoặc vào cửa quan, cũng đem buồng cau vào là quý. Nhà tư gia cúng giỗ tổ tiên tất phải có cơi trầu. Khách đến chơi nhà, phải có trầu thiết đãi. Đám hương ẩm, tùy người tôn ty mà chia phần trầu có thứ tự, nếu kém một khẩu trầu có khi sinh sự tranh kiện nhau. Kẻ buôn bán, đã ăn trầu của nhau rồi thì phải nể nhau có câu rằng: miếng trầu là đầu thuốc cấm...

Tuy rằng ngày nay các phong tục tập quán này mất đi khá nhiều nhưng nó vẫn còn mang ý nghĩa sâu đậm trong văn hóa và văn chương Việt Nam.

Ngoài truyện cổ tích Trầu Cau, sau đây là một số thí dụ tiêu biểu:

  • Truyện “Chim Trĩ Trắng” viết, khoảng thế kỷ VI trước công nguyên, khi sứ Việt sang triệu kiến, Chu Vương hỏi rằng: “người Việt xăm trổ để làm gì?” Sứ ta đáp: “người Việt xăm trổ để tránh thủy quái ăn thịt”, lại hỏi rằng: “thế cạo tóc để làm gì?” sứ ta đáp: “cạo tóc để đi rừng cho khỏi vướng”, Chu Vương hỏi tiếp: “thế ăn trầu để làm gì” sứ ta trả lời: “ăn trầu để tránh ô trừ uế”... Nghe xong Chu Vương phán rằng: “người Việt có văn hóa riêng của họ, không cùng giống với ta, nay cấp cho thủy xa trở về gìn giữ lấy tập quán, hai bên cùng nhau giao hảo”.
  • Thương nhau cau sáu bổ ba,
    Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười.—Ca dao
  • Quả cau nho nhỏ,
    Cái vỏ vân vân.
    Nay anh học gần,
    Mai anh học xa
    Lấy anh từ thuở mười ba,
    Đến năm mười tám thiếp đà năm con.
    Ra đường thiếp hãy còn son,
    Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng.—Ca dao
  • Mời Trầu
    Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi,[3]
    Này của Xuân Hương đã quệt rồi.
    Có phải duyên nhau thì thắm lại,
    Đừng xanh như lá bạc như vôi.—Thơ của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cau http://www.ville-ge.ch/musinfo/bd/cjb/africa/detai... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/63374 http://www.goldenagro.com/image/betelnut/index.htm http://www.ars-grin.gov/cgi-bin/npgs/html/taxon.pl... http://www.nzor.org.nz/names/9e1ad1a6-b652-42c5-9d... http://www.efloras.org/florataxon.aspx?flora_id=2&... http://www.ipni.org/ipni/idPlantNameSearch.do?id=6... http://www.irmng.org/aphia.php?p=taxdetails&id=102... http://apps.kew.org/wcsp/namedetail.do?name_id=145... http://wcsp.science.kew.org/namedetail.do?name_id=...